QUY TRÌNH KỸ THUẬT SẢN XUẤT HOA LAN HỒ ĐIỆP (Phalaenopsis) THEO QUY MÔ CÔNG NGHIỆP TẠI PHÍA BẮC VIỆT NAM
- Last Updated on 07.06.2014
PHẦN I: THÔNG TIN CHUNG
1. Nhóm tác giả: ThS. Nguyễn Văn Tỉnh, TS. Đặng Văn Đông, ThS. Đinh Thị Dinh, TS. Trịnh Khắc Quang và cộng sự
2. Cơ quan tác giả: Viện Nghiên cứu Rau quả - Viện KHNN Việt Nam.
3. Nguồn gốc xuất xứ:
Từ kết quả dự án “Hoàn thiện quy trình nhân giống và sản xuất một số giống lan hồ điệp ở quy mô công nghiệp”.
4. Phạm vi áp dụng:
Cho các tỉnh phía Bắc.
5. Đối tượng áp dụng: Các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia sản xuất hoa lan hồ điệp.
PHẦN II: QUY TRÌNH KỸ THUẬT
I. CÁC GIỐNG TRỒNG HIỆN NAY
Hiện nay ở Việt Nam thường trồng phổ biến một số giống hoa lan Hồ điệp sau:
- Giống hoa to: đường kính hoa 10 – 15 cm, có 8 – 12 bông hoa/cành, bao gồm các giống: Trắng lưỡi đỏ, mười giờ, V3, V31, đỏ, phấn hồng...
- Giống hoa trung bình: đường kính hoa 5 – 9 cm, có 10 – 15 bông hoa/cành, bao gồm các giống: hoàng hậu, vàng, trắng chấm đỏ, kẻ vân tím, đốm ngọc trai...
- Giống hoa mini: đường kính hoa 2 – 4 cm, có 20 – 50 bông hoa/cành, bao gồm các giống: Mãn Thiên Hồng, trắng mini, vàng mini...
Các giống lan trên được nhân bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào.
II. CHUẨN BỊ NHÀ LƯỚI, VẬT TƯ
2.1. Chuẩn bị nhà lưới
Nhà lưới để sản xuất hoa lan hồ điệp theo quy mô công nghiệp phải có diện tích tối thiểu 360m2, có thể trồng được 10.000 cây thương phẩm (chiều dài nhà lưới tối đa là 40 m để tăng hiệu quả sử dụng các thiết).
Nhà lưới được trang bị hệ thống lưới cắt nắng, hệ thống thông gió, hệ thống tản nhiệt cưỡng bức bằng tấm tản nhiệt, hệ thống quạt đối lưu, hệ thống rèm che mái, hệ thống rèm che hai bên sườn, hệ thống tăng nhiệt...
Thiết bị điều tiết nhiệt độ gồm thiết bị tăng nhiệt (hệ thống tăng nhiệt bằng hơi nóng), thiết bị hạ nhiệt (hệ thống quạt hút gió và tấm làm mát) và hệ thống quạt đảo gió, nếu có điều kiện có thể dùng máy điều hòa nhiệt độ 2 chiều, nhiệt độ có thể khống chế trong phạm vi trên 180C trong vụ đông, xuân và dưới 310C trong vụ hè, thu. Nhiệt độ trong nhà lưới có thể tăng hoặc giảm tới 7 – 100C so với nhiệt độ bên ngoài.
Hệ thống điều khiển cường độ ánh sáng bằng lưới cản quang, cường độ ánh sáng có thể điều chỉnh đảm bảo < 20.000Lux.
2.2. Chuẩn bị giá thể
Sử dụng giá thể là dớn (rêu) đã được tẩy trắng và phơi khô. Trước khi trồng cần xử lý bằng dung dịch vi sinh vật hữu hiệu EM với nồng độ 1ml/lít.
2.3. Chuẩn bị dụng cụ và chậu nuôi
Chậu dùng trồng Lan Hồ điệp phải là chậu màu trắng trong để cho rễ quang hợp và phát triển thuận lợi.
Cây con mới ra ngôi dùng chậu 1.5 (kích thước 5 x 5 cm), sau 4 tháng cây nhỡ chuyển sang chậu 2.5 (kích thước 8,3 x 8,3 cm), sau 12 tháng cây lớn đổi sang chậu 3.5 (kích thước 12 x 12 cm).
Ngoài ra cần chuẩn bị khay để cây, cần 3 loại khay: khay để cây nhỏ (chậu 1.5): 40 cây/1 khay, khay để cây nhỡ (chậu 2.5): 12 cây/1 khay, khay để cây lớn (chậu 3.5): 8 cây/1 khay.
III. KỸ THUẬT TRỒNG VÀ CHĂM SÓC
3.1. Giai đoạn cây con (từ ra ngôi đến 4 tháng tuổi)
Cây con sau khi ra ngôi, dùng giá thể bao bọc xung quanh rễ rồi trồng trong chậu 1.5, độ chặt của giá thể vừa phải, mặt trên của giá thể cách miệng chậu 0,5 cm, định mức 1 kg giá thể khô trồng được 200 cây.
Tưới nước: giai đoạn đầu (4 tuần kể từ sau ra ngôi) chỉ cần tưới nhẹ trên bề mặt lá, khi thấy đỉnh rễ xuất hiện ở vách chậu và lá mới xuất hiện thì lượng nước tưới lớn hơn từ 1/3 – 1/2 chậu trong thời gian khoảng 8 tuần, đến khi cây có 2 – 2,5 lá mới và rễ phát triển xuống đáy chậu thì tưới với lượng nước 1/2 - 100% chậu.
Cường độ ánh sáng trong 4 tuần đầu khống chế ở 5.000 lux, sau đó tăng dần, tối đa 8.000 lux sau 4 tháng. Nhiệt độ tốt nhất ở khoảng 25 – 310C.
Sử dụng phân bón HT-Orchid (N-P205-K20+TE = 30-10-10+TE), pha với tỷ lệ 3 gam/10 lít nước, phun và tưới định kỳ 7 – 10 ngày 1 lần.
3.2. Giai đoạn thay chậu lần 1 (từ 4 tháng tuổi đến 8 – 9 tháng tuổi)
Cây con trồng trong chậu 1.5, sau 4 tháng, khoảng cách giữa 2 đầu mút lá khoảng 12 - 15cm, cần tiến hành thay chậu lần thứ nhất là chậu 2.5.
Cách thay chậu: lấy cây con (bao gồm cả giá thể) ra khỏi bầu, dùng giá thể bọc kín rễ rồi đặt nhẹ vào chậu nhựa 2.5, đảm bảo bầu không được chặt và cũng không lỏng quá để thoát nước tốt, giá thể cách mép trên của chậu khoảng 1 cm, mặt bầu phẳng, không gồ ghề, định mức 1 kg giá thể khô trồng được 90 cây
Tưới nước: tương tự như cách tưới ở trên, giai đoạn đầu (4 tuần kể từ sau khi đổi bầu) chỉ cần tưới nhẹ trên bề mặt lá, khi thấy đỉnh rễ xuất hiện ở vách chậu và có lá mới xuất hiện thì lượng nước tưới lớn hơn từ 1/3 – 1/2 chậu trong thời gian khoảng 10 tuần, đến khi cây có 2 – 2,5 lá mới và rễ phát triển xuống đáy chậu thì tưới với lượng nước 1/2 - 100% chậu.
Cường độ ánh sáng trong 4 tuần đầu thay chậu duy trì ở 7.000 lux, sau đó tăng dần, tối đa 12.000 lux sau 8 – 9 tháng, nhiệt độ từ 25 – 31oC.
Sử dụng phân bón HT-Orchid (N-P205-K20+TE = 20-20-20+TE) với tỷ lệ 4 gam/10 lít nước, phun và tưới định kỳ 5 - 7 ngày 1 lần.
3.3. Giai đoạn thay chậu lần 2 (cây 8 - 9 tháng tuổi)
Cây con trồng trong chậu 2.5, sau 4 – 5 tháng, khoảng cách giữa 2 đầu mút lá khoảng 18 - 20cm, cần tiến hành thay chậu lần thứ hai là chậu 3.5.
Cách thay chậu: tương tự như cách thay chậu lần thứ nhất, đảm bảo giá thể vừa phải, giá thể cách mép trên của chậu khoảng 1 cm, định mức 1 kg giá thể khô trồng được 45 cây.
Tưới nước: tưới tương tự như giai đoạn thay chậu lần thứ nhất.
Cường độ ánh sáng trong 4 tuần đầu thay chậu duy trì ở 10.000 lux, sau đó tăng dần và đạt tối đa 20.000 lux sau 4 – 5 tháng, nhiệt độ từ 25 – 31oC.
Sử dụng phân bón HT-Orchid (20-20-20+TE) với tỷ lệ 4 gam/10 lít nước, phun và tưới định kỳ 5 - 7 ngày 1 lần.
IV. XỬ LÝ PHÂN HÓA MẦM HOA
Cây lan trồng trong bầu 3.5 được 4 -5 tháng, khoảng cách giữa 2 đầu mút lá khoảng 25 - 30 cm, rễ ra đều xung quanh bầu là đủ tiêu chuẩn đưa vào xử lý phân hóa mầm hoa (thời gian từ khi ra ngôi đến khi đủ tiêu chuẩn đưa vào xử lý phân hóa mầm hoa là 18–20 tháng tuổi, để có hoa nở vào Tết thì cần ra ngôi cây từ tháng 1–2 năm trước).
Lan Hồ điệp thường ra hoa tự nhiên từ tháng 3 đến tháng 5, đa số các giống không ra hoa vào dịp Tết nguyên đán. Muốn có hoa vào dịp Tết cần phải xử lý điều khiển ra hoa. Có 2 cách xử lý phân hóa mầm hoa:
4.1. Cách 1: Xử lý nhân tạo
- Điều kiện xử lý: nhà lưới hiện đại có các thiết bị có thể điều khiển được nhiệt độ, ánh sáng.
- Thời gian bắt đầu xử lý 1/8 (âm lịch), khi xuất hiện mầm hoa được 3 – 5 cm (khoảng 45 – 50 ngày) thì dừng lại.
- Chế độ nhiệt độ: Duy trì điều kiện nhiệt độ ban ngày 230C – 240C (12 tiếng), ban đêm 150C - 160C (12 tiếng).
- Chế độ ánh sáng: Cường độ ánh sáng ban ngày 20.000 – 25.000lux trong thời gian 6 – 8 tiếng/ngày.
- Phân bón: sử dụng loại phân HT-Orchid (9-45-15+TE), pha với tỷ lệ 4gam/10 lít nước, phun và tưới trước khi đưa vào xử lý 10 ngày và định kỳ 5 - 7 ngày 1 lần trong suốt quá trình xử lý. Bên cạnh đó bổ xung thêm B1 với tỷ lệ 2,5ml/10 lít nước, 5 – 7 ngày phun 1 lần.
4.2. Cách 2: Xử lý trong điều kiện tự nhiên
- Điều kiện nơi xử lý: Chọn những nơi có điều kiện sinh thái mát mẻ (nhiệt độ ban đêm 15 - 180C, nhiệt độ ban ngày 23 – 250C, độ ẩm 75 – 80%, độ cao so với mặt biển >700 m), có số giờ chiếu sáng từ 6 – 10 tiếng/ngày với cường độ ánh sáng trên 20.000 lux, đường giao thông thuận lợi, địa hình bằng phẳng (ví dụ Mộc Châu – Sơn La, SaPa – Lào Cai…).
- Chuẩn bị nhà che: Làm nhà che kiên cố hoặc nhà che tạm đảm bảo được tránh mưa, nắng trực tiếp, có giàn để cây. Làm hướng nhà và giàn che theo hướng Bắc – Nam để tận dụng được nhiều ánh sáng mặt trời.
- Thời gian bắt đầu xử lý 1/8 (âm lịch), khi xuất hiện mầm hoa được 3 – 5 cm (khoảng 45 – 50 ngày) thì dừng lại và chuyển sang giai đoạn chăm sóc mầm hoa.
- Chế độ ánh sáng: Cường độ ánh sáng ban ngày 20.000 – 25.000lux, trong khoảng 6 – 8 tiếng/ngày, có thể điều chỉnh bằng việc kéo và thu lưới đen.
- Bón phân: sử dụng loại phân HT-Orchid (9-45-15+TE), pha với tỷ lệ 4gam/10 lít nước, phun và tưới trước khi đưa vào xử lý 10 ngày và định kỳ 5 - 7 ngày 1 lần trong suốt quá trình xử lý. Bên cạnh đó bổ xung thêm B1 với tỷ lệ 2,5ml/10 lít nước, 5 – 7 ngày phun 1 lần.
- Các kỹ thuật khác: trường hợp nhiệt độ trong quá trình xử lý lớn hơn 250C thì phải có biện pháp làm giảm: cuộn nilon hai bên sườn nhà lưới lên, che lưới đen. Nếu nhiệt độ thấp hơn 150C cần hạ nilon hai bên sườn nhà lưới xuống và thắp bóng điện hoặc dùng hơi nóng từ nước hay lò đốt than để tăng nhiệt độ.
V. CHĂM SÓC GIAI ĐOẠN SAU PHÂN HÓA MẦM HOA
5.1. Điều khiển chế độ nhiệt độ, ánh sáng
Chế độ nhiệt thích hợp nhất cho sự sinh trưởng giai đoạn sau phân hóa mầm hoa là 18 – 250C. Trong điều kiện tự nhiên miền Bắc Việt Nam rất khó đạt được yêu cầu trên, vì vậy cần đưa cây sau phân hóa mầm hoa vào điều kiện nhà lưới có các thiết bị điều khiển nhiệt độ để đảm bào chất lượng hoa thương phẩm.
Ví dụ điều khiển nhiệt độ trong nhà lưới có diện tích 500 m2 như sau:
Nhiệt độ ngoài trời (0C) | Phương pháp điều chỉnh để đạt nhiệt độ 18 – 250C |
12 - 20 | Đóng lưới nilon xung quanh nhà lưới xuống, cho 3 đường ống thổi hơi nóng vào |
20 - 30 | Đóng lưới nilon xung quanh nhà lưới xuống, cho 1 quạt hoạt động, không mở nước ở tấm làm mát |
> 30 | Đóng lưới nilon xung quanh, chạy 3 quạt, mở nước tấm làm mát, che lưới đen |
Khi nhiệt độ ngoài trời và nhiệt độ trong nhà lưới phù hợp ở ngưỡng từ 18 – 250C thì mở nilon xung quanh nhà lưới, các thiết bị sưởi ấm và làm mát không cần hoạt động.
Cường độ ánh sáng 20.000 – 25.000lux, trong thời gian 6 – 8 tiếng/ngày.
Cây lan Hồ điệp sau khi đã được xử lý phân hoá mầm hoa, thời gian từ khi xuất hiện mầm hoa đến khi hoa đầu tiên nở là 110 - 115 ngày, căn cứ vào đó để điều khiển sinh trưởng nở hoa vào đúng dịp Tết.
5.2. Bón phân
Loại phân thích hợp nhất cho lan Hồ điệp giai đoạn sau phân hoá mầm hoa là HT-Orchid (10 – 20 – 20+TE), với liều lượng 4gam/10 lít nước, cách 5 - 7 ngày phun 1 lần.
5.3. Tưới nước
Thường xuyên kiểm tra độ ẩm giá thể, không nên để giá thể khô quá hoặc ướt quá, tưới vào lúc sau 10h sáng và trước 3h chiều, nếu điều kiện cho phép sau khi tưới nước nên để cho cây được thoáng khí thông gió, để cho nước đọng trên mặt lá bị bay hơi hết, giảm sự phát sinh của bệnh hại. Sử dụng nước tưới sạch, nước được lọc có pH từ 6 – 6,5, EC từ 0,03 đến 0,1.
5.4. Quản lý kỹ thuật vườn lan
Khi sản xuất hoa lan Hồ điệp theo quy mô công nghiệp cần có biện pháp sắp xếp chiều cao mầm hoa theo thứ tự tăng dần theo chiều dài nhà lưới (mầm hoa thấp để gần quạt hút gió và chiều cao mầm tăng dần về phía tấm làm mát) để khi thu hoạch sẽ cho sản phẩm hoa lan nở đồng đều nhau.
Khi cành hoa dài 15 – 20cm, cần dùng que thép và kẹp để cố định mầm hoa cho mọc thẳng ngay từ gốc. Khi cành hoa dài 30 – 40cm sẽ xuất hiện nụ, khi cành dài 60 – 70cm hoa bắt đầu nở (lúc đó cách thời điểm phân hoá mầm hoa khoảng 110 - 115 ngày).
VI. PHÒNG TRỪ SÂU BỆNH HẠI CHÍNH
6.1. Bệnh do nấm
6.1.1. Bệnh thán thư (Collectotrichium sp)
- Triệu chứng: Vết bệnh có màu nâu đen, màu xám nhạt, hình trứng hoặc hình không quy cách, bệnh gây hại ở lá già và lá bánh tẻ làm cây sinh trưởng kém.
- Nguyên nhân: do nấm Collectotrichium sp
- Phòng trừ:
+ Kịp thời ngắt bỏ lá già, lá khô, lá bị thối nát, bị rét hại và bị cháy do nhiệt độ cao để loại bỏ nguồn bệnh.
+ Khi cây bị bệnh cần dùng dụng cụ đã được khử trùng cắt bỏ chỗ có bệnh, bôi thuốc sát khuẩn vào vết thương. Nếu bệnh nặng thì loại bỏ cả cây.
+ Phun định kỳ thuốc phòng bệnh: Boocdo 1%, Topsin 5 – 10 ml/10 lít.
6.1.2. Bệnh thối đen (Phytophthorapalmivora)
- Triệu chứng: Khi bệnh phát sinh sẽ làm cho rễ, thân bị thối, đổ cây và có thể tác hại huỷ diệt cả cây.
- Nguyên nhân: do nấm Phytophthorapalmivora
- Phòng trừ:
+ Làm cho nhà vườn thông gió tốt
+ Giữ không để cho cây bị tổn thương, bị xây sát, nhất là khi thay chậu. Nếu có vết thương phải khử trùng ngay.
+ Khi có bệnh phát sinh phải khống chế nước nghiêm ngặt, không để cho cây bị ướt.
+ Khi cây trưởng thành bị bệnh ở lá cần dùng kéo được khử trùng cắt bỏ lá bị bệnh, bôi thuốc vào vết cắt như dung dịch Natri phenol. Nếu bệnh nặng thì huỷ bỏ cả cây.
+ Dùng thuốc: Score 250EC 7-10ml/bình 8 lít, Rhidomil Gold 68%WP 25g/bình 10 lít, Daconil 10ml/bình 8 lít.
6.2. Bệnh do vi khuẩn
6.2.1. Bệnh thối nhũn(Pseudomonas gadioli)
- Triệu chứng: Ở nơi bị bệnh, biểu bì và thịt lá rời nhau ra, khi bị lực tác động (tưới nước, bón phân) rất dễ rách.
- Nguyên nhân: do vi khuẩn Pseudomonas gadioli, bệnh phát triển mạnh nhất từ tháng 4 đến tháng 7, khi nhiệt độ và ẩm độ cao.
- Phòng trừ:
+ Đảm bảo nguồn nước tưới sạch, không có vi khuẩn gây bệnh
+ Không nên đặt chậu dầy đặc, cần có khoảng cách hợp lý, bón đạm vừa đủ và đảm bảo đủ ánh sáng cho vườn để tăng sức đề kháng cho cây.
+ Tăng độ thông thoáng của vườn, giảm độ ẩm, nhiệt độ, sau khi tưới nước không để nước đọng trên lá.
+ Tiêu huỷ ngay cây bị bệnh, khử trùng khay và giàn để cây.
+ Phun thuốc kháng sinh: 1g Streptomicin + 1g Tetracyclin hoà trong 1,5 lít nước. Ngừng tưới khi xử lý bệnh 1 ngày.
6.3. Sâu hại
6.3.1. Rệp, rệp sáp
- Triệu chứng: lá bị hại nặng, bị vàng khô héo và rụng.
- Phòng trừ:
+ Khi mới phát sinh dùng vải ướt lau, loại bỏ trứng sâu hoặc cắt bỏ chỗ lá bị gây hại.
+ Phòng trừ bằng sinh vật. Bọ nhảy là thiên địch của rệp
+ Dùng tấm bìa màu vàng dẫn dụ rồi diệt rệp
+ Dùng thuốc phun: Supracide hoặc Polytrin với lượng 10ml/10 lít nước.
6.3.2. Nhện hại
- Triệu chứng: Chủ yếu là nhện đỏ, nhện vàng. Khi bị nặng làm cho lá bị cháy vàng lõm xuống héo đi và biến dạng, cuối cùng làm cho lá vàng khô và rụng.
- Phòng trừ:
+ Dùng nước xà phòng phun lên lá tạo thành một màng mỏng có thể phòng và hạn chế nhện ký sinh
+ Dùng thuốc: Aramite 15% 15g/10 lít nước, Kelthane 2% 15g/10 lít nước, Brightin 10ml/10 lít nước.
VII. THU HOẠCH, ĐÓNG GÓI VÀ VẬN CHUYỂN
Khi cây có từ 1 – 3 nụ nở là lúc có thể tiêu thụ. Khi đóng thùng cần phải bao gói từng cành bằng giấy mềm rồi xếp nằm, lần lượt theo chiều của cành hoa vào thùng carton và lấy dây buộc hoặc băng dính cố định chậu hoa vào cạnh thùng. Trong quá trình vận chuyển cần đảm bảo điều kiện mát và đủ thoáng cho cây, nếu trong xe lạnh để ở nhiệt độ từ 15 – 200C và thời gian trong thùng không quá 4 ngày để tránh thui, rụng nụ hoa.
Để biết thêm chi tiết, quý khách có thể liên hệ với chúng tôi theo địa chỉ:
Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Hoa, Cây cảnh ( Viện Nghiên cứu Rau quả)
Địa chỉ : Trâu Quỳ - Gia Lâm - Hà Nội ĐT: 043 8765 625